<img height="1" width="1" style="display:none" src="https://www.facebook.com/tr?id=395009544198866&ev=PageView&noscript=1" />

viện dinh dưỡng quốc gia

Trung tâm dịch vụ KHKT dinh dưỡng thực phẩm

KHÔNG NÊN ĂN GÌ KHI MANG THAI?

Ngày đăng:

24/10/2022

Lượt xem: 3514

Một chế độ dinh dưỡng hợp lý, khoa học trong thời kỳ mang thai đóng vai trò hết sức quan trọng giúp đảm bảo sức khỏe cho cả mẹ và bé. Tuy nhiên, ngoài những thực phẩm cần bổ sung thì thai phụ cũng cần tránh một số loại thực phẩm không tốt cho mẹ bầu. Vậy thai phụ không nên ăn gì khi mang thai? Hãy cùng Ninfood tìm hiểu về vấn đề này trong bài viết dưới đây nhé!



1. Thời kì mang thai 3 tháng đầu
3 tháng đầu thai kỳ là giai đoạn quan trọng nhất của thai nhi, bởi đây là giai đoạn trẻ bắt đầu hình thành các cơ quan các hệ thần kinh. Do đó, chế độ dinh dưỡng 3 tháng đầu thai kỳ là yếu tố quyết định tới cân nặng và sự phát triển của trẻ sau này. 
Các thực phẩm thai phụ không nên ăn khi mang thai 3 tháng đầu:
Rau mầm: các loại rau mầm như giá đỗ luôn tồn tại vi khuẩn trong hạt giống trước khi cây mầm lớn lên, vì thế các thai phụ tuyệt đối không được ăn sống (có thể ăn nếu nấu chín). Nếu cố tình sử dụng thì các loại vi khuẩn xâm nhập vào cơ thể có thể gây dị dạng cho thai nhi.
Đồ muối chua: các loại đồ muối như dưa muối, cà muối,... thường được để lên men chua dưới tác dụng của một số vi sinh vật. Trong giai đoạn vi sinh vật chuyển hóa nitrat trong các nguyên liệu thành nitrit, làm cho hàm lượng nitrit tăng cao rất có hại cho cơ thể.
Các loại cá có hàm lượng thủy ngân cao: Hải sản chứa rất nhiều protein, tuy nhiên một số loại cá như cá thu vua, cá đồng, cá ngừ, cá kiếm, cá kình,..., các loại cá càng lớn, nhiều tuổi sẽ chứa hàm lượng thủy ngân càng cao. Sau khi ăn, chất này có xu hướng tích lũy lâu trong cơ thể người mẹ và gây ảnh hưởng xấu đến sự phát triển của thai nhi. Đặc biệt thủy ngân còn gây tổn thương đến hệ thần kinh của mẹ và bé. 
Các loại đồ uống: trà thảo mộc, đồ uống có ga, có cồn, cà phê,... không chỉ ảnh hưởng tới sức khỏe mà còn có nguy cơ gây dị tật bẩm sinh cho thai nhi, tăng nguy cơ sảy thai.

2. Khi mang thai 6 tháng cuối
Khi thai nhi đã dần ổn định, trong 6 tháng cuối của thai kỳ sẽ tập trung phát triển cân nặng. Bên cạnh đó, đến tháng thứ 4 thai phụ cũng đã dần giảm các triệu chứng ốm nghén nên sẽ có cảm giác ăn ngon miệng hơn và thèm ăn vặt. Vì vậy, trong 6 tháng cuối, thai phụ cần có một chế độ ăn hợp lý phòng ngừa tăng cân quá mức, rối loạn đường huyết, tăng huyết áp gây tiền sản giật. Một số loại thực phẩm mẹ bầu không nên ăn trong quá trình mang thai bao gồm:

Đồ ngọt
Trong quá trình mang thai chức năng thải đường ở thận sẽ giảm. Nếu ăn đồ ngọt nhiều sẽ làm cho đường máu tăng cao, thận làm việc quá tải và không có lợi cho sức khỏe. Ngoài ra, một số nghiên cứu cho rằng lượng đường hấp thụ quá nhiều sẽ làm suy yếu khả năng miễn dịch của cơ thể, dẫn đến giảm khả năng đề kháng dễ mắc bệnh và nhiễm virus. Tuy nhiên thai phụ vẫn cần sử dụng một lượng vừa phải theo nhu cầu hằng ngày của cơ thể.

Đồ ăn quá mặn
Tỷ lệ tăng huyết áp có liên quan đến lượng muối ăn hàng ngày. Vì vậy, nếu ăn đồ ăn quá mặn thai phụ sẽ có nguy cơ cao mắc tăng huyết áp, đây cũng là một trong những nguyên nhân gây nhiễm độc thai nghén 3 tháng cuối thai kỳ. 

Các loại thịt, cá sống tái
Bò bít tết, sushi, thịt cá còn sống đều có chứa vi khuẩn như salmonella, toxoplasmosis, coliform,... gây ngộ độc.

Thịt nướng, thịt xông khói
Đây là những thực phẩm có hương vị thơm ngon được chế biến bằng than hay chất đốt để nướng. Tuy nhiên, khi đốt than sẽ tạo ra một loại chất độc nhiễm vào thức ăn và có khả năng gây ung thư. Vì vậy, thai phụ nên hạn chế ăn các loại thực phẩm là đồ nướng nhằm đảm bảo sức khỏe cho cả mẹ và bé.

Các loại thịt chế biến sẵn
Các thực phẩm chế biến sẵn như thịt nguội, giăm bông, xúc xích,... đều có nguy cơ chứa vi khuẩn listeria. Thai phụ sẽ có nguy cơ sảy thai cao khi nhiễm vi khuẩn listeria. Vì vậy, thai phụ không nên ăn những loại thực phẩm này, nếu muốn ăn để thay đổi khẩu vị thì cần chế biến và nấu chín kỹ.

Gan động vật
Gan động vật là thực phẩm chứa nhiều sắt và vitamin A. Tuy nhiên trong quá trình mang thai, thai phụ đã được bổ sung sắt và hấp thụ vitamin A từ các loại vitamin tổng hợp. Do đó, nếu thường xuyên ăn gan động vật sẽ làm dư thừa lượng sắt và vitamin A gây ảnh hưởng xấu đến thai nhi, thậm chí là dị dạng thai nhi.

Sữa và các chế phẩm từ sữa không tiệt trùng
Hầu hết các loại sữa đều được tiệt trùng và là nguồn cung cấp canxi và vitamin D dồi dào giúp trẻ phát triển tốt. Bên cạnh đó, một số chế phẩm không được tiệt trùng như phomat sẽ có chứa vi khuẩn Listeria gây ảnh hưởng xấu tới sức khỏe của thai nhi.

Các loại rau sống
Các rau sống chứa nhiều vi khuẩn e.coli, salmonella,...có nguy cơ gây ngộ độc. Vì thế, thai phụ cần tránh các loại rau này. Bên cạnh đó, rau ngót cũng chứa thành phần Papaverin có tác dụng giãn cơ trơn, hạ huyết áp, giảm đau. Nếu thai phụ ăn nhiều loại rau này sẽ làm cổ tử cung co thắt và tăng nguy cơ sảy thai.
Khổ qua có chứa thành phần Monodicine, Quinine,... kích thích co bóp tử cung làm tăng nguy cơ bị sảy thai. Do đó, mẹ bầu nên tránh ăn khổ qua.
Ngoài các thực phẩm trên thì măng tươi cũng là một thực phẩm mẹ bầu cần tránh, vì chúng có chứa cyanide một chất nguy hiểm đối với cơ thể. Thai phụ có thể bị ngộ độc nếu không loại bỏ chất độc này trước khi ăn. Các triệu chứng có thể xuất hiện như nôn, đau đầu, khó thở,... trường hợp nặng có thể dẫn tới tử vong.

Một số loại trái cây
Mặc dù, hoa quả cung cấp rất nhiều vitamin và khoáng chất cho cơ thể nhưng một số loại quả có thể làm ảnh hưởng đến thai phụ khi mang thai như:
Đu đủ xanh, dứa: có chứa chất kích thích cơ trơn tử cung hoạt động, có thể gây sảy thai.
Nhãn, na: chứa nhiều glucose, nếu ăn nhiều mẹ bầu sẽ có nguy cơ mắc đái tháo đường thai kỳ và táo bón. Vì vậy, thai phụ nên hạn chế ăn những loại quả có hàm lượng đường cao.

Để đảm bảo sức khỏe, các mẹ bầu nên duy trì chế độ dinh dưỡng hợp lý khi mang thai để giúp cho trẻ phát triển một cách toàn diện. Bên cạnh đó, các thai phụ cũng cần lưu ý một số thực phẩm không nên ăn khi mang thai để phòng ngừa nguy cơ sảy thai, ảnh hưởng tới sức khỏe của cả mẹ và bé. Ngoài việc khám thai định kỳ, các bà mẹ có thể đến cơ sở y tế để được các chuyên gia dinh dưỡng tư vấn chế độ ăn khoa học, phù hợp.

© 2016 copyright by

Ninfood.com.vn