<img height="1" width="1" style="display:none" src="https://www.facebook.com/tr?id=395009544198866&ev=PageView&noscript=1" />

viện dinh dưỡng quốc gia

Trung tâm dịch vụ KHKT dinh dưỡng thực phẩm

HƯỚNG DẪN CHẾ ĐỘ DINH DƯỠNG CHO BÀ BẦU (Phần 1)

Ngày đăng:

29/08/2020

Lượt xem: 4112

Hẳn mẹ bầu nào cũng sẽ quan tâm đến chế độ dinh dưỡng ngay từ khi bắt đầu thai kỳ, thế nhưng không phải mẹ bầu nào cũng biết mình nên ăn thực phẩm gì, nên ăn bao nhiêu, hay khẩu phần bữa ăn như thế nào để thai nhi nhận được đủ chất dinh dưỡng, thông minh và khỏe mạnh. Bài viết dưới đây sẽ cung cấp đầy đủ thông tin về chế độ dinh dưỡng cho bà bầu theo từng tháng của thai kỳ.

1/ Dinh dưỡng cho bà bầu trong tam cá nguyệt thứ nhất

 

Ba tháng đầu là thời kỳ quan trọng và phức tạp nhất trong cả hành trình mang thai 9 tháng 10 ngày. Thời kỳ này, thai nhi trong bụng mẹ mới bắt đầu hình thành nên chế độ dinh dưỡng cho bà bầu đóng một vai trò rất lớn, ảnh hưởng trực tiếp đến sự hoàn thiện của bào thai. Theo chuyên gia dinh dưỡng thì giai đoạn này, mẹ bầu chưa phải tẩm bổ quá nhiều chỉ cần duy trì mức năng lượng như thông thường vì bào thai vẫn còn nhỏ chưa thể hấp thu nhiều dưỡng chất, nên thêm khoảng 200 – 300kcal mỗi ngày để hạn chế mệt mỏi và nâng cao vi chất cho cơ thể, giúp bé cưng giảm thiểu nguy cơ dị tật bẩm sinh. Một số vi chất mẹ bầu cần cung cấp trong giai đoạn tam cá nguyệt thứ nhất này là:
Axit folic (vitamin B9): Axit folic rất quan trọng trong giai đoạn đầu. Đây là loại dưỡng chất giúp ngăn ngừa 70% nguy cơ khuyết tật ống thần kinh, gây ra các dị tật bẩm sinh như nứt đốt sống, vô sọ, não úng thủy, sứt môi, hở hàm ếch… Do đó, mẹ bầu được khuyên bổ sung khoảng 600mcg axit folic mỗi ngày và tăng cường thực phẩm giàu axit folic như: Gan động vật, thịt gia cầm, ngũ cốc, rau màu xanh đậm (rau dền, củ cải, bông cải…), đậu Hà Lan, bưởi,...
Sắt: Bình thường, nhu cầu sắt của chị em là 5mg và lượng này có thể bổ sung từ các loại thực phẩm hàng ngày như các loại thịt đỏ, các loại hạt, rau xanh đậm màu hoặc đậu phụ. Tuy nhiên, khi mang thai, nhu cầu sắt sẽ tăng lên 25mg/ngày. Vì vậy, bên cạnh chế độ dinh dưỡng giàu sắt, thai phụ còn cần bổ sung thêm viên sắt theo chỉ định của bác sỹ.
Vitamin B12: Ngoài axit folic, thiếu hụt vitamin B12 trong giai đoạn đầu mang thai cũng dễ dẫn đến nguy cơ thai nhi bị dị tật bẩm sinh liên quan đến ống thần kinh. Để bổ sung vitamin B12, mẹ bầu có thể bổ sung thêm cá hồi, cá ngừ, trứng, sữa, thịt bò, hạt điều, hạt hạnh nhân, bông cải xanh, kiwi, xoài… vào thực đơn ăn uống hàng ngày của mình.
Tháng thứ nhất: Tháng đầu của thai kỳ, cơ thể bắt đầu thay đổi, hormone nội tiết tố tăng lên, làm bạn thường xuyên cảm giác buồn nôn và khó chịu. Nên chia 3 bữa ăn chính thành 5 - 6 bữa nhỏ mỗi ngày, uống thêm nước, sữa và các chế phẩm từ sữa giữa các bữa ăn. Chọn các thực phẩm dễ tiêu hóa, ăn nhiều tinh bột và protein. Tránh những món khó tiêu, nhiều chất béo: chiên, rán, ngọt hoặc cay.
Tháng thứ 2: Mẹ bầu nên ăn 1 chế độ đa dạng các thực phẩm thiết yếu: ngũ cốc, bánh mì, rau củ trái cây, sữa, chế phẩm từ sữa, thịt và các loại đậu.  Axít folic đóng vai trò quan trọng trong tháng này nên mẹ bầu phải bổ sung hàng ngày. Ngoài ra, nên uống sữa ít béo (khoảng 2 lít mỗi ngày) vì đây là nguồn bổ sung dinh dưỡng và canxi tuyệt vời.
Tháng thứ 3: Cấu trúc bữa ăn vẫn là 3 bữa chính và 2-3 bữa ăn nhẹ mỗi ngày. Vào cuối tháng thứ 3, bạn nên tăng khoảng 0,4-1,7kg. Giảm đồ ăn nhiều calo, ít dinh dưỡng như đồ ngọt, thức ăn nhanh, thực phẩm chế biến. Thay vào đó, chọn món giàu chất xơ, vitamin và khoáng chất như các loại hạt, trái cây sấy khô. Tạo thói quen ăn nhiều rau và trái cây trong bữa ăn. Uống ít nhất mỗi ngày 8 ly nước hoặc chất lỏng từ sữa, nước trái cây tươi, súp, canh. Tiếp tục bổ sung vitamin, khoáng chất theo chỉ định của bác sĩ.

2/ Dinh dưỡng cho bà bầu trong tam cá nguyệt thứ hai

 

Ba tháng giữa thai kỳ là khoảng thời gian dễ chịu nhất trong hành trình mang thai, bởi đa phần các mẹ bầu sẽ không còn cảm giác bị ốm nghén hành hạ nên việc ăn uống sẽ dễ dàng hơn. Về phần thai nhi, nhu cầu dinh dưỡng sẽ tăng lên vượt trội để phục vụ quá trình tăng trưởng. Do vậy, để đáp ứng nhu cầu của thai nhi, mẹ bầu nên tăng khoảng 600 Kcal; và 1000 – 1200mg canxi trong khẩu phần ăn hàng ngày. Khẩu phần ăn nên đa dạng 4 nhóm thực phẩm chính sau:
Nhóm chất bột: Gạo, mì, ngô, khoai, sắn…
Nhóm chất đạm: Thịt, cá, trứng, tôm cua, đậu đỗ…
Nhóm chất béo: Dầu mỡ, vừng, lạc, hạt óc chó, hạt hạnh nhân…
Nhóm chất xơ, vitamin và khoáng chất: Ngũ cốc, rau xanh, các loại củ và trái cây chín…
Tháng thứ 4: Thời gian này, các chuyên gia khuyến cáo về việc ăn thực phẩm giàu sắt. Sự gia tăng của lưu lượng máu dẫn đến nhu cầu chất sắt cao. Nguồn thực phẩm giàu sắt bao gồm thịt gà, các loại đậu, rau xanh đậm. Để tăng cường sự hấp thụ chất sắt, bạn nên bổ sung thêm vitamin C từ chanh, cam, dưa hấu, bông cải xanh, ớt chuông trong thực đơn.
Tháng thứ 5: Cơ thể mẹ bầu lúc này bắt đầu trở nên cồng kềnh, thường vì cơ thể tích quá nhiều nước. Vì vậy, bạn nên hạn chế ăn mặn, giảm lượng muối trong lúc nấu ăn, tránh thực phầm nhiều muối như khoai tây chiên, đồ ăn chế biến sẵn, dưa chua, ô-liu và các loại thịt xông khói để tránh bệnh phù chân, cao huyết áp và các bệnh về tim mạch.
Nhu cầu canxi tăng trong giai đoạn này, vì vậy bầu nên để ý uống 2 ly sữa và thêm 2 phần ăn các chế phẩm từ sữa vào thực đơn ăn uống hằng ngày. Hơn nữa mẹ bầu rất dễ phát sinh bệnh thiếu máu và sắt, do đó nên bổ sung các thực phẩm giàu sắt.
Tháng thứ 6: Từ đầu thai kỳ đến cuối tháng thứ 6, mẹ bầu nên tăng khoảng 6-8kg. Ở tháng thứ 6, thai nhi sinh trưởng rất nhanh và cần nhiều dinh dưỡng hơn nên mẹ bầu sẽ cảm thấy đói liên tục. Người mẹ nên đáp ứng cơn đói bằng thực phẩm lành mạnh, tốt nhất nằm trong nhóm thực phẩm thiết yếu.
Lượng canxi của người mẹ cũng được thai nhi hấp thụ rất nhiều, rất dễ bị thiếu. Nếu lượng canxi không đủ thì sau này đứa trẻ sinh ra rất dễ bị loãng xương, đau răng hoặc viêm lợi và thai nhi cũng dễ bị gù lưng bẩm sinh. Trong quá trình mang thai, bà bầu chú ý bổ sung các chất khoáng cũng như vitamin đầy đủ.

© 2016 copyright by

Ninfood.com.vn