<img height="1" width="1" style="display:none" src="https://www.facebook.com/tr?id=395009544198866&ev=PageView&noscript=1" />

viện dinh dưỡng quốc gia

Trung tâm dịch vụ KHKT dinh dưỡng thực phẩm

TRẺ BỊ RỐI LOẠN TIÊU HÓA NÊN ĂN GÌ VÀ KIÊNG GÌ?

Ngày đăng:

24/06/2022

Lượt xem: 3105

Rối loạn tiêu hóa là một trong những nguyên nhân khiến trẻ biếng ăn, suy dinh dưỡng, chậm phát triển cả về thể chất lẫn trí tuệ. Vì vậy một chế độ dinh dưỡng tốt sẽ giúp bé nhanh phục hồi sức khỏe và hỗ trợ tiêu hóa. Vậy trẻ bị rối loạn tiêu hóa nên ăn gì và kiêng gì?


1. Rối loạn tiêu hóa ở trẻ em là gì?
Rối loạn tiêu hóa là hiện tượng cơ vòng trong hệ tiêu hóa bị co thắt bất thường, gây đau bụng và những thay đổi trong vấn đề tiêu hóa thức ăn. 
Những biểu hiện của tình trạng rối loạn tiêu hóa ở trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ là:
• Thường bị nôn trớ.
• Đi ngoài phân sống, phân lỏng hoặc có chất nhầy, đầy bụng ở trẻ.
• Đi ngoài phân lỏng như nước trên 3 lần/ngày hoặc trẻ bị táo bón.
• Trẻ có dấu hiệu suy dinh dưỡng do biếng ăn, bỏ bữa hoặc bú kém.
• Đau bụng đột ngột hay kéo dài trong nhiều giờ.
Bệnh rối loạn tiêu hóa ở trẻ có thể gây nên nhiều ảnh hưởng không tốt tới quá trình phát triển của bé sau này, do đây là giai đoạn cơ thể trẻ cần một nguồn dinh dưỡng ổn định.
Khi căn bệnh rối loạn tiêu hóa xuất hiện, lượng dinh dưỡng cung cấp cho cơ thể bị thiếu hụt đáng kể. Hậu quả là khiến trẻ bị suy dinh dưỡng, chậm phát triển về thể chất và trí não, suy giảm hệ miễn dịch. Về sau, trẻ dễ tái phát rối loạn tiêu hóa khi có các tác nhân từ môi trường tấn công vào bộ máy tiêu hóa.
Phải cho con ăn gì khi con bị rối loạn tiêu hóa luôn là nỗi trăn trở của các bà mẹ. Khi đường ruột của con đang nhạy cảm như vậy, việc mẹ nhầm lẫn giữa thực phẩm có thể ăn và không nên ăn có thể khiến tình trạng của con trở nên trầm trọng hơn.

2. Trẻ bị rối loạn tiêu hóa nên ăn gì?
Sữa mẹ:
Sữa mẹ giúp ngăn ngừa mất nước khi bị tiêu chảy, làm mềm phân cho trẻ bị táo bón, đồng thời bổ sung các dưỡng chất và kháng thể giúp chống lại vi khuẩn gây hại trong đường ruột. Đây là nguồn thức ăn chứa nhiều dưỡng chất cần cho trẻ, nhất là trẻ mới sinh cho đến 6 tháng tuổi.
Do đó khi trẻ bị rối loạn tiêu hóa mẹ nên cho trẻ bú nhiều lần, rút ngắn khoảng cách giữa các lần bú mẹ, ví dụ từ 3 tiếng rút ngắn còn 2 tiếng.
Với trẻ từ 6 tháng tuổi – 12 tháng tuổi, ngoài bú mẹ trẻ đã ăn thêm một số thức ăn được cung cấp từ bột loãng rồi bột đặc có chất xơ, chất béo…
Khi trẻ trên 1 tuổi vẫn tiếp tục bú mẹ và ăn thêm cháo. 

Chuối:
Chuối là một loại thực phẩm rất tốt cho trẻ rối loạn tiêu hóa, vì giúp bổ sung pectin ngăn ngừa táo bón lại có khả năng cung cấp hàm lượng kali dồi dào bù đắp lại lượng chất điện giải đã mất trong quá trình trẻ bị nôn ói và tiêu chảy. Trong chuối còn chứa nhiều đường tự nhiên giúp trẻ bị rối loạn tiêu hóa bớt mệt mỏi, có nhiều năng lượng để hoạt động.

Táo:
Táo cũng là loại quả nên cho trẻ ăn khi bị rối loạn tiêu hóa. Vì táo chứa hàm lượng pectin dồi dào, chất xơ trong táo có vai trò quan trọng trong việc ổn định hoạt động của hệ tiêu hóa, tạo điều kiện để các vi sinh vật có lợi trong đường ruột phát triển. Mẹ có thể nấu chín táo dưới dạng sốt để bé dễ tiêu hóa hơn.

Gạo trắng:
Các món từ gạo trắng rất tốt cho trẻ bị rối loạn tiêu hóa. Khi trẻ ăn các món từ gạo sẽ giúp trẻ chắc bụng, dễ tiêu hóa và còn giúp hấp thụ bớt chất lỏng trong đường ruột nhờ đó làm giảm tiêu chảy. Chế độ ăn cho trẻ bị rối loạn tiêu hóa có thể là cơm trắng, cháo hạt, cháo xay tùy theo độ tuổi và sở thích của trẻ.

Rau xanh:
Rau lá và rau củ là thành phần không thể thiếu trong bữa ăn hằng ngày của trẻ. Khi bị rối loạn, mẹ nên tăng khẩu phần rau cho trẻ để bổ sung thêm một lượng lớn vitamin và khoáng chất cần thiết giúp tiêu hóa các chất béo không lành mạnh vốn là một trong những nguyên nhân gây khó tiêu, rối loạn tiêu hóa.
Ăn rau củ hàng ngày để bổ sung chất xơ, vitamin và khoáng chất cho hệ tiêu hóa của trẻ phát triển khỏe mạnh. Khi trẻ bị tiêu chảy thì nên cho trẻ ăn rau ngót, nấm, rau sam, giá đỗ, cà rốt. Nếu trẻ bị táo bón thì cho trẻ ăn rau đay, mồng tơi, củ cải, rau diếp cá, rau má, bí đỏ…

Thịt gà:
Thịt gà chứa nhiều đạm nhưng lại có ít chất béo bão hòa. Các thành phần enzym trong thịt gà còn giúp xoa dịu cảm giác khó chịu trong dạ dày của trẻ. Khi được nấu chín, thịt gà sẽ trở thành thực phẩm dễ tiêu, có giá trị dinh dưỡng cao cho trẻ.

Sữa chua:
Sữa chua là thực phẩm chứa nhiều lợi khuẩn tốt cho đường ruột của trẻ. Nếu cho trẻ ăn thường xuyên sẽ giúp cung cấp lợi khuẩn cho trẻ và giúp cân bằng hệ vi sinh trong đường ruột.

3. Trẻ bị rối loạn tiêu hóa nên kiêng ăn gì?
Con trẻ bị rối loạn đường tiêu hóa cũng cần kiêng 1 số loại thức ăn tùy vào tình trạng rối loạn của bé. Một số loại thực phẩm trẻ bị rối loạn tiêu hóa không nên dùng như:

Sữa chứa lactose:
Với trẻ bị rối loạn tiêu hóa do bất dung nạp đường lactose trong sữa: mẹ nên dừng loại sữa trẻ đang uống và tham khảo ý kiến chuyên gia để đổi sang loại sữa chứa hàm lượng lactose thấp hơn và phù hợp với trẻ.

Đồ ngọt:
Thực phẩm, đồ uống chứa nhiều đường như nước ngọt, bánh, kẹo,… các loại thực phẩm này làm tăng acid trong dạ dày, làm tăng nguy cơ đau dạ dày. Không những vậy, ăn quá nhiều đồ ngọt sẽ làm tăng nguy cơ bị béo phì.

Đồ ăn nhanh:
Mẹ không nên cho bé ăn đồ ăn nhanh như xúc xích, lạp xường, pizza, thịt hộp, hamburger, thịt gà rán, các loại đồ chiên rán khác. Những món này khó tiêu, khiến hệ tiêu hóa của bé phải làm việc quá sức và bệnh rối loạn tiêu hóa càng trầm trọng hơn.

Hệ tiêu hóa của trẻ em còn non nớt và nhạy cảm, vì thế lựa chọn thực phẩm an toàn là vô
cùng quan trọng để phòng tránh những căn bệnh về đường ruột và ngăn ngừa rối loạn tiêu hóa ảnh hưởng xấu đến sức khỏe của trẻ.

Táo bón là tình trạng mà nhiều trẻ mắc phải, nhất là trong thời kỳ trẻ bắt đầu ăn dặm. Vì thế các bậc cha mẹ cần nắm rõ các triệu chứng và có chế độ dinh dưỡng điều chỉnh phù hợp. Nếu táo bón kéo dài khiến trẻ biếng ăn và khó chịu cần đưa trẻ đến các trung tâm y tế để thăm khám và điều trị, tránh để các biến chứng nguy hiểm có thể xảy ra.





© 2016 copyright by

Ninfood.com.vn