<img height="1" width="1" style="display:none" src="https://www.facebook.com/tr?id=395009544198866&ev=PageView&noscript=1" />

viện dinh dưỡng quốc gia

Trung tâm dịch vụ KHKT dinh dưỡng thực phẩm

PHƯƠNG PHÁP ĂN DẶM TRUYỀN THỐNG CHO BÉ

Ngày đăng:

24/04/2022

Lượt xem: 3324


Phương pháp ăn dặm truyền thống là cho trẻ ăn bột xay chung với rau củ, thịt cá nhuyễn trước, sau đó dần chuyển sang cháo. Có ý kiến cho rằng cách này không còn phù hợp với đời sống hiện đại dù đã gắn bó quen thuộc với nhiều thế hệ trẻ em Việt Nam. Vậy cách nấu ăn dặm truyền thống như thế nào sẽ giúp bé phát triển tốt?

1. Có nên áp dụng ăn dặm truyền thống cho bé?

Ăn dặm là bắt đầu cho trẻ dùng thêm thức ăn ngoài sữa mẹ, thông qua đó bé sẽ phát triển được các kỹ năng nhai và nuốt. Khi bé được 6 tháng tuổi, nguồn dinh dưỡng trong sữa mẹ bắt đầu không đủ đáp ứng nhu cầu năng lượng ngày càng tăng. Đồng thời vào lúc này, hệ tiêu hóa của bé cũng đã sẵn sàng cho những thức ăn bổ sung. Tuy nhiên, ăn dặm chỉ là nguồn dinh dưỡng hỗ trợ thêm cho con bên cạnh sữa mẹ, chứ không thay thế hoàn toàn sữa mẹ. Các chuyên gia khuyến cáo trẻ ăn dặm vẫn cần phải được bú sữa tiếp tục cho đến ít nhất 12 tháng tuổi.

Có nhiều cách giúp trẻ tập ăn khác nhau, trong đó phương pháp ăn dặm truyền thống rất quen thuộc, thường được ông bà trong gia đình truyền lại cho bố mẹ trẻ. Ăn dặm theo kiểu truyền thống là xay nhuyễn các loại thức ăn và trộn chung bột trước, sau đó có thể nấu cháo truyền thống cho bé ăn.

Mỗi cách ăn dặm đều có ưu và nhược điểm riêng, những lợi ích có thể kể đến của phương pháp truyền thống là:
• Chuyển từ sữa mẹ sang thức ăn lỏng rồi sau đó là thức ăn đặc, giúp hệ tiêu hóa của con hoạt động dễ dàng và trơn tru hơn.
• Nhờ vai trò chủ động của ba mẹ, trẻ có cơ hội ăn đủ năng lượng và dưỡng chất hơn ăn dặm tự chỉ huy.
• Các phụ huynh trẻ tự tin và thoải mái hơn khi tập ăn dặm truyền thống cho bé với kinh nghiệm hỗ trợ từ ông bà, người lớn trong gia đình.

Trên thực tế, hàng triệu trẻ em Việt Nam mỗi năm vẫn được cho ăn dặm theo phương pháp truyền thống và tăng cân khỏe mạnh. Bắt đầu ăn dặm truyền thống sẽ giúp dạ dày của bé thoải mái, không phải hoạt động nhiều từ quá sớm. Hơn nữa, nhờ không cần chế biến riêng từng nguyên liệu cầu kỳ như phương pháp ăn dặm kiểu Nhật, cách truyền thống cực kỳ tiện lợi cho các mẹ bận rộn. Chính vì vậy, phương pháp ăn dặm truyền thống vẫn được tin tưởng áp dụng bởi nhiều bà mẹ Việt hiện đại.

2. Nguyên tắc ăn dặm truyền thống

Khi bé mới tập ăn dặm kiểu Việt Nam, mẹ sẽ xay nhuyễn thức ăn cho loãng để bé dễ tiêu hóa. Trước khi chuyển sang giai đoạn ăn cháo với thịt, cá, rau củ, mẹ nên cho em ăn bột trước.

Phương pháp ăn dặm kiểu truyền thống là sự kết hợp giữa những loại thức ăn có chất đạm, béo, tinh bột và chất xơ từ rau củ, trái cây tươi.

Mẹ nên xay cháo nhuyễn theo mức độ thô khác nhau, phù hợp độ tuổi để tập dần cho bé khả năng ăn thức ăn thô, điều chỉnh độ thô từ ăn bột, ăn cháo đến ăn những thức ăn băm, rồi mới ăn cơm cùng gia đình.

Nên chọn những loại rau củ cung cấp cho bé đầy đủ vitamin cần thiết. Khi sơ chế, luộc rau củ, mẹ cũng nên quan tâm về việc có nên thêm gia vị để bé vừa giúp bé dễ ăn vừa đảm bảo sự phát triển về thể chất. 

Các nhóm rau củ cần thiết cho bé:
• Vàng, đỏ: cà chua, bí đỏ, cà rốt, khoai lang…
• Xanh nhạt: bí đao, su su, mướp…
• Xanh đậm: mồng tơi, rau ngót…

Tương tự như rau củ, đối với thực phẩm là thịt, cá… mẹ nên thêm gia vị như hành, gừng, nước mắm khi luộc và xào sơ chúng. Đặc biệt với tôm, cá, lươn, mẹ không nên xay quá nhuyễn sẽ gây mất chất dinh dưỡng và khiến bé dễ ngán ăn. Vì vậy, hãy làm nát chúng để tập dần thói quen ăn thức ăn thô cho trẻ.

3. Ưu, nhược điểm của phương pháp ăn dặm kiểu Việt Nam
Ưu điểm:
• Với lượng thức ăn dặm nhiều, bé sẽ tăng cân nhanh trong thời gian đầu theo phương pháp này.
• Cách chế biến đơn giản, tiện lợi cho mẹ nhưng vẫn cung cấp đầy đủ dưỡng chất cho con yêu.
• Hệ tiêu hóa của bé chưa phát triển nên việc xay nhuyễn thức ăn không ảnh hưởng đến sức khỏe của bé.

Nhược điểm:
• Trong khi kiểu Nhật giúp bé tập nhai đồ ăn thô nhiều hơn ở các giai đoạn khác nhau, kiểu Việt Nam làm bé quá quen với thức ăn nhuyễn.
• Xay nhiều loại thức ăn chung với nhau gây khó khăn cho việc phân biệt mùi vị, dẫn đến bé dễ biếng ăn.

4. Thực đơn ăn dặm truyền thống theo từng độ tuổi

Với phương pháp ăn dặm kiểu Việt Nam, mẹ không cần mất quá nhiều thời gian để chế biến cho bé một bữa ăn dặm đầy bỗ dưỡng. Thường sẽ chỉ tốn khoảng 15 – 20 phút.

Dù là phương pháp truyền thống nhưng thức ăn trong thực đơn cần tăng dần đều độ thô, phù hợp với từng giai đoạn phát triển của bé sau khi sinh. 

Khi bé đạt từ 6 tháng tuổi, mẹ nên cho bé tập ăn dặm với các món bột như thịt heo, thịt gà, đậu hũ., lòng đỏ trứng…

Từ 7 tháng tuổi trở lên, mẹ tập cho bé ăn các món tanh như cua, cá, lươn…

Từ 8 tháng tuổi, bé có thể tập ăn các món hải sản như tôm, ghẹ, ngêu…

Từ 9 tháng tuổi, mẹ nấu cháo hạt, cùng với thức ăn đã được xay nhuyễn nhé!

Khi bé đạt trên 12 tháng tuổi, bé có thể ăn cơm với khẩu phần như người lớn. Tuy nhiên, mẹ nên băm thức ăn ra để bé quen dần với thức ăn thô cũng như rèn luyện khả năng nhai.

Như vậy với sự đơn giản và nhanh gọn, kiểu ăn dặm truyền thống được rất nhiều gia đình áp dụng cho con của mình. Phù hợp thể trạng trẻ sơ sinh Việt Nam, phương pháp này giúp bé hấp thụ được nhiều chất dinh dưỡng, đảm bảo tăng cân nhanh đều.

© 2016 copyright by

Ninfood.com.vn