<img height="1" width="1" style="display:none" src="https://www.facebook.com/tr?id=395009544198866&ev=PageView&noscript=1" />

viện dinh dưỡng quốc gia

Trung tâm dịch vụ KHKT dinh dưỡng thực phẩm

DINH DƯỠNG DỰ PHÒNG CHO TRẺ DƯỚI 6 THÁNG TUỔI TRONG MÙA DỊCH COVID-19

Ngày đăng:

10/09/2021

Lượt xem: 3608


Sữa mẹ là nguồn dinh dưỡng hoàn hảo nhất cho trẻ dưới 6 tháng tuổi. Các chất dinh dưỡng trong sữa mẹ đều ở tỉ lệ cân đối đáp ứng đủ nhu cầu cho sự phát triển của trẻ. Không chỉ thế, sữa mẹ có kháng thể giúp bảo vệ cơ thể trẻ để phòng chống các bệnh nhiễm khuẩn, virus. Sữa mẹ còn giúp trẻ phát triển trí thông minh, tăng cường thị lực. Vì thế, các chuyên gia dinh dưỡng và bác sĩ đều khuyến cáo nên cho trẻ bú mẹ hoàn toàn trong 6 tháng đầu sau khi sinh1.

1. Tại sao sữa mẹ là nguồn dinh dưỡng hoàn hảo nhất cho trẻ nhỏ?
Các chuyên gia dinh dưỡng của Viện Dinh dưỡng Quốc gia đã giải đáp vấn đề cho câu hỏi này1.
- Chất đạm và chất béo trong sữa mẹ giúp trẻ dễ tiêu hóa và dễ hấp thụ.
- Đường Lactose là một trong những loại đường thiết yếu cho cơ thể đang phát triển của trẻ. Chất này có trong sữa mẹ nhiều hơn các loại sữa khác.
- Chất sắt trong sữa mẹ tuy ít, nhưng dễ hấp thụ nên trẻ bú mẹ sẽ không bị thiếu máu do thiếu sắt.
- Sữa mẹ có đầy đủ các loại vitamin và lượng nước cần thiết cho trẻ ngay cả khi thời tiết nóng. Nếu trẻ được bú mẹ hoàn toàn trong vòng 6 tháng đầu thì không cần bổ sung thêm nước, vitamin, hoặc nước hoa quả.
- Sữa mẹ chứa lượng canxi và phốt pho ở tỷ lệ cân đối giúp trẻ phát triển tốt, ít bị còi xương.

2. Cho trẻ bú như thế nào là đúng?
Muốn trẻ bú được đủ sữa theo nhu cầu thì bà mẹ nên1:
- Cho trẻ bú ngay sau đẻ trong vòng 1 giờ để tránh hiện tượng ứ đọng sữa và căng tức ngực.
- Cho bú thường xuyên và bú theo yêu cầu của trẻ.
- Trẻ cần được bú mẹ hoàn toàn từ lúc sinh cho đến khi tròn 6 tháng tuổi. Trong thời gian này, không cho trẻ sử dụng bất cứ thức ăn và nước uống nào khác ngoài sữa mẹ, kể cả nước đun sôi để nguội. Nếu trẻ ăn uống bất cứ thứ gì ngoài sữa mẹ, điều đó sẽ làm ảnh hưởng tới việc ngậm bắt vú của trẻ và việc tiết sữa của người mẹ. Việc này cũng làm nguy cơ trẻ dễ mắc bệnh tiêu chảy cao hơn do quá trình pha chế không hợp vệ sinh.
- Khi cho con bú, các bà mẹ cần lưu ý về tư thế và cách ngậm bắt vú của trẻ.
- Bà mẹ nên cho trẻ bú kiệt 1 bên rồi mới chuyển sang bên khác để trẻ nhận được sữa cuối giàu chất béo.
- Thời gian của mỗi bữa tùy thuộc vào từng trẻ, cho trẻ bú cho đến khi trẻ tự nhả ra.
- Trẻ bú có hiệu quả thì ngực của mẹ sẽ căng trước khi trẻ bú và mềm sau khi trẻ bú xong.
Đối với trẻ sơ sinh thiếu tháng2:
- Cần cho trẻ ăn càng sớm càng tốt vì khả năng mất nước, hạ đường huyết, hạ thân nhiệt ở trẻ sinh thiếu tháng cao hơn so với trẻ sinh đủ tháng.
- Trẻ càng có cân nặng thấp, ít ngày tuổi thì nên cho ăn nhiều bữa.
- Ưu tiên sử dụng sữa mẹ.
- Với trẻ sinh quá non, cân nặng lúc sinh dưới 1800g, nhẹ cân so với tuổi thai, hay tốc độ tăng cân không đủ, cần sự tư vấn bởi cán bộ dinh dưỡng để làm giàu các chất trong sữa mẹ cho phù hợp với nhu cầu cao hơn bình thường của trẻ sinh non.

3. Với người mẹ nuôi con bằng sữa mẹ, cần chú ý chế độ dinh dưỡng đầy đủ để có đủ sữa và dinh dưỡng trong sữa1:
- Năng lượng trong khẩu phần ăn hàng ngày của bà mẹ cho con bú là 2750 Kcal.
- Một số loại thức ăn có tác dụng lợi sữa theo kinh nghiệm dân gian:
o Móng giò heo hầm với đậu đen/ gạo nếp đậu xanh
o Gà ác tiềm thuốc bắc
o Rau lang nấu với thịt bò
o Canh đu đủ xanh nấu với thịt gà
o Cháu ếch nấu đậu xanh
o Cơm nếp với thịt gà…
- Bà mẹ cũng cần có chế độ ăn uống nghỉ ngơi và luôn giữ tinh thần thoải mái để tăng tiết sữa.

Vì thế, đề bảo vệ trẻ dưới 6 tháng tuổi trong mùa dịch COVID-19, các bà mẹ cần cho trẻ bú sữa mẹ trong 6 tháng đầu để tăng sức đề kháng cho trẻ và làm tốt công tác bảo vệ bản thân và gia đình để tránh lây nhiễm cho trẻ.

Nguồn:
1. Hỏi đáp Dinh dưỡng & Vệ sinh thực phẩm của Viện Dinh dưỡng – Bộ Y tế
2. Hướng dẫn dinh dưỡng dự phòng COVID-19 – hội Tiết chế Dinh dưỡng Việt Nam

© 2016 copyright by

Ninfood.com.vn