<img height="1" width="1" style="display:none" src="https://www.facebook.com/tr?id=395009544198866&ev=PageView&noscript=1" />

viện dinh dưỡng quốc gia

Trung tâm dịch vụ KHKT dinh dưỡng thực phẩm

BỔ SUNG VITAMIN D CÓ TÁC DỤNG GÌ?

Ngày đăng:

25/11/2021

Lượt xem: 3377


Vitamin D có vai trò rất quan trọng đối với sức khỏe của con người, ở mọi lứa tuổi kể cả trẻ em, người già hay phụ nữ mang thai. Vitamin D được xem là một trong những chất không thể thiếu trong quá trình phát triển cơ thể. Khi cơ thể thiếu hụt sẽ dẫn đến nhiều hậu quả nghiêm trọng, gây ảnh hưởng tiêu cực đến sức khỏe. Thiếu hụt Vitamin D làm gia tăng nguy cơ mắc các bệnh như tiểu đường Type 1, đau cơ, xương hay dẫn đến ung thư tuyến tiền liệt, vú, đại tràng,...

Một số công dụng của Vitamin D:

Vitamin D giữ vai trò quan trọng trong việc tạo nên cấu trúc xương, răng thông qua cơ chế phân phối canxi và phospho của cơ thể. Vitamin D làm tăng quá trình hấp thu canxi và phospho tại đường tiêu hoá. Tại xương, vitamin D cùng hormone tuyến cận giáp PTH kích thích chuyển hoá canxi và phospho, làm tăng quá trình lắng đọng canxi của xương. Vì vậy, lượng vitamin D đầy đủ là điều kiện thiết yếu để canxi và phospho được gắn trong mô xương. Vitamin D cũng là một chất quan trọng giúp điều hoà cân bằng nội mô của hai chất này trong cơ thể.

Ngoài ra, vitamin D còn đóng vai trò trong quá trình phân chia tế bào, bài tiết và chuyển hoá các hormone, bao gồm hormon tuyến cận giáp (PTH) và insullin. Vitamin D có khả năng ảnh hưởng đến sự biệt hoá của một số tế bào ung thư như ung thư da, ung thư xương và các tế bào ung thư vú. Một số nghiên cứu đã chứng minh, cơ thể được cung cấp đủ vitamin D có thể giảm nguy cơ phát triển ung thư vú, đại tràng và tuyến tiền liệt.

Tăng cường khả năng miễn dịch: Cơ thể chúng ta có khoảng 30.000 gen, trong đó vitamin D đã được chứng minh là ảnh hưởng đến khoảng 3.000 gen và điều chỉnh hơn 1.000 các quá trình sinh lý khác nhau. Vitamin D có mặt ở khắp các mô và tế bào cơ thể. Những trẻ sơ sinh được bổ sung đủ lượng vitamin D hàng ngày thì khả năng nhiễn các loại virus cúm giảm 40% so với những trẻ thiếu vitamin D.

Vitamin D góp phần trong việc cải thiện các tình trạng tâm lý như chứng trầm cảm, rối loạn tăng động giảm chú ý và rối loạn tự kỷ ở trẻ em và trẻ độ tuổi thành niên.

Vai trò của vitamin D đối với phụ nữ mang thai:

Những phụ nữ đang mang thai ngoài việc chú ý bổ sung canxi cũng cần phải cung cấp đủ lượng vitamin D cho cơ thể. Bởi vì vitamin D là một chất rất cần thiết cho việc hấp thụ canxi và phosphat, góp phần vào quá trình cấu tạo xương của cơ thể. Đối với phụ nữ đang trong thời gian thai kỳ, vitamin D từ cơ thể mẹ sẽ là nguồn cung cấp vitamin D sang cho thai nhi. 

Mẹ thiếu vitamin D bé có thể bị còi xương ngay từ trong bụng mẹ gây ra hậu quả rất nghiêm trọng:

• Tăng tỷ lệ sinh non (thậm chí tới 50 lần).

• Rối loạn phát triển xương và răng dẫn tới chậm phát triển xương, biến dạng xương, sâu răng.

• Phát triển thể chất bị chậm lại, để lại những hậu quả lâu dài.

• Tăng tỷ lệ nhiễm trùng hô hấp và hen suyễn. 

• Tăng tỷ lệ trẻ sinh nhẹ cân.

• Ảnh hưởng tới chức năng miễn dịch của thai nhi, của trẻ  sơ sinh cho tới tuổi trưởng thành.

• Rối loạn sức khỏe tâm thần như gia tăng bệnh tự kỷ, tâm thần phân liệt và chậm phát triển trí tuệ.

• Gây ra các cơn co giật, các rối loạn bẩm sinh.

Khoảng 80% nguồn cung cấp vitamin D quan trọng cho cơ thể là từ sự tổng hợp trong da dưới tác động của ánh nắng mặt trời. Chính vì vậy, những phụ nữ đang mang thai nên dành một khoảng thời gian nhất định để hoạt động ngoài trời và có thể bổ sung vitamin D thông qua các loại thực phẩm có nguồn gốc từ động vật giàu vitamin D như trứng, bơ, sữa, các loại cá béo. Tuy nhiên, các trường hợp sử dụng thuốc để bổ sung vitamin D cho phụ nữ mang thai nên tuân thủ theo chỉ định của bác sĩ.

Vai trò của vitamin D trong việc phòng chống COVID-19:

Nghiên cứu cho thấy, cơ thể thiếu vitamin D sẽ có tỷ lệ nhiễm COVID-19 cao hơn, biểu hiện nặng và tử vong. Tỷ lệ tử vong do COVID-19 tăng gấp 3 lần nếu lượng vitamin D trong cơ thể thấp [1].

Hơn 100 nhà khoa học, bác sĩ và nhà chức trách hàng đầu kêu gọi tăng cường sử dụng vitamin D để chống lại COVID-19 [2].

Bằng chứng khoa học cho thấy vitamin D làm giảm nhiễm trùng và tử vong. Nghiên cứu chỉ ra rằng mức vitamin D thấp gần như chắc chắn thúc đẩy nhiễm trùng COVID-19, nhập viện và tử vong. 

• Nồng độ vitamin D trong máu cao hơn có liên quan đến tỷ lệ nhiễm SARS-CoV-2 thấp hơn.

• Mức vitamin D cao hơn có liên quan đến việc giảm nguy cơ một ca bệnh nặng (nhập viện, ICU hoặc tử vong).

• Các nghiên cứu can thiệp (bao gồm cả RCT) chỉ ra rằng vitamin D có thể là một phương pháp điều trị rất hiệu quả.

Thừa vitamin D:

Vitamin D quan trọng đối với cơ thể nhưng sử dụng quá nhiều vitamin D sẽ gây ra nhiều tác hại. Khi sử dụng vitamin D liều cao, kéo dài sẽ dẫn đến nhiễm độc do thừa vitamin D, làm tăng canxi huyết và dẫn đến hàng loạt triệu chứng như đau đầu, chóng mặt, chán ăn, khô miệng, chuột rút, táo bón, buồn nôn, đau cơ, đau xương., mạch máu bị vôi hóa..Nhiều trường hợp còn gây tổn thương thận, tăng huyết áp, loạn nhịp tim, trẻ bị châm lớn, dị tật bào thai, khó thở, co giật, giảm khả năng tình dục...

Đặc biệt thừa vitamin D có thể gây ra các biến chứng ở mắt với 2 triệu chứng thường gặp sau: tại kết mạc những nốt nhỏ, màu trắng, sắp xếp thành hàng ngang hay cong rồi đổ vào rìa của lòng đen, còn tại giác mạc có hiện tượng viêm giác mạc hình dải băng, gặp chủ yếu ở trẻ em. Khi phát hiện thấy dấu hiệu ngộ độc vitamin D, cần ngừng uống vitamin D và lập tức đến các cơ sở y tế để kịp thời điều trị. Để tránh những tác hại do thừa vitamin D, nên tham khảo ý kiến của bác sĩ chuyên khoa trước khi sử dụng vì liều vitamin D cho các đối tượng khác nhau.

Bổ sung vitamin D cho cơ thể

Sử dụng các loại thực phẩm giàu hàm lượng vitamin D như: các loại cá như cá thu, cá ngừ, cá hồi, cá chình; nấm; trứng; sữa và các chế phẩm từ sữa như sữa chua, phomat,...

Một trong những cách rất hiệu quả để bổ sung vitamin D đó là tắm nắng. Vì vậy, vào mùa đông ít ánh nắng mặt trời hoặc khi cơ thể không được tắm nắng sẽ bị thiếu hụt vitamin D, từ đó dẫn tới nguy cơ còi xương ở trẻ em. Để đảm bảo cho cơ thể được cung cấp đủ lượng vitamin D, nên tắm nắng khoảng 5-15 phút mỗi ngày.

Trong trường hợp không thể tắm nắng thường xuyên, có thể uống vitamin D thay thế nhưng cần đi khám bác sĩ để được tư vấn đề liệu lượng sử dụng cho phù hợp.

Tư liệu tham khảo:
[1] Mohammad Rizki Akbar, Arief Wibowo, Raymond Pranata and Budi Setiabudiawan. Low Serum 25-hydroxyvitamin D (Vitamin D) Level Is Associated With Susceptibility to COVID-19, Severity, and Mortality: A Systematic Review and Meta-Analysis. Nutrition (29 March 2021).
[2] Dr. Karl Pfleger, PhD AI & Computer Science, Stanford University. Over 100 Scientists, Doctors, & Leading Authorities Call For Increased Vitamin D Use To Combat COVID-19. Vitamin D Society (Dec 10 2020).

© 2016 copyright by

Ninfood.com.vn