<img height="1" width="1" style="display:none" src="https://www.facebook.com/tr?id=395009544198866&ev=PageView&noscript=1" />

viện dinh dưỡng quốc gia

Trung tâm dịch vụ KHKT dinh dưỡng thực phẩm

BÁNH TRUNG THU – GÓC NHÌN VỀ DINH DƯỠNG VÀ AN TOÀN THỰC PHẨM (1)

Ngày đăng:

10/09/2021

Lượt xem: 4428

Mặc dù mới tháng 7 âm lịch, nhưng như một thông lệ, chuẩn bị đến Tết Trung thu là trên thị có rất nhiều dòng sản phẩm bánh trung thu phục vụ nhu cầu đa dạng của người tiêu dùng (để làm quá biếu, để sử dụng), các chủng loại bánh sử dụng cho đối tượng riêng biệt (như người tiểu đường, thừa cân béo phì, tăng huyết áp). Các sản phẩm này thông thường được sản xuất từ 3 nguồn: Bánh trung thu của các công ty (hãng), của các nhà sản xuất tư nhân (thủ công), của các gia đình tự sản xuất (gọi là bánh home-made).


 

Nếu trước đây chỉ có bánh dẻo và bánh nướng nhân thập cẩm theo truyền thống, thì bây giờ các loại bánh rất đa dạng: nào gà quay, lạp xưởng, bào ngư, nấm đông cô, hải sâm, trứng…đến khoai môn, đậu xanh, đậu đỏ, đậu đen, hạt sen, sữa dừa, rau câu, táo tàu, mứt bí, hạt dưa, hạt điều, mè…và một số loại bánh chay, bánh cho người ăn kiêng: tiểu đường, thừa cân béo phì...


Trước kia, bánh trung thu sản xuất với số lượng ít, phục vụ chủ yếu là đối tượng trẻ em (Tết Trung thu là ngày Tết của thiếu nhi). Vì thế, Tết Trung thu là dịp nhà nhà mua sắm, bày cỗ trung thu, trong đó không thể thiếu những chiếc bánh trung thu (bánh dẻo, bánh nướng). Đây là dịp cha mẹ, người thân dành tình cảm, sự chăm sóc đối với trẻ em được "trông trăng" và "phá cỗ ", được ăn bánh trung thu và nhiều đồ chơi truyền thống...

Ngay từ ngày mồng một đến ngày rằm tháng 7, nhiều nhà đã mua bánh trung thu để dâng cúng tổ tiên biếu ông bà, cha mẹ, thầy cô, bạn bè, họ hàng và các ân nhân khác. Nhưng ngày nay Tết trung thu không chỉ của Thiếu nhi mà cả của người lớn, thậm chí Tết trung thu còn được “biến tấu” phục vụ nhu cầu biếu xén (một hộp bánh kèm theo một chai rượu quý giá).

Như thường lệ, cứ vào dịp này, người tiêu dùng lại đặt ra những câu hỏi thường trực như về chất lượng sản phẩm, về an toàn thực phẩm, về giá trị dinh dưỡng, nguồn gốc thành phần của nguyên liệu,...của bánh. Nó làm đau đầu các nhà tư vấn, nhà chuyên môn, nhà quản lý và những lời giải đáp vẫn chưa làm thỏa mãn lỗi day dứt của cộng đồng trong mỗi dịp Trung thu.  

Về thành phần dinh dưỡng của bánh trung thu:

- Bánh Trung thu rất ngọt và béo ngậy, do vậy nó cung cấp nhiều năng lượng. Vì bánh giàu năng lượng từ đường và chất béo, với những trẻ gầy thì còn đỡ, với trẻ thừa cân béo phì và những người mắc bệnh mạn tính liên quan đến dinh dưỡng thì là một mối nguy cơ lớn tới sức khỏe.

- Những trẻ gầy thì lại ít thích ăn, trẻ thừa cân béo phì sẵn sàng thanh toán gọn ghẽ, thậm chí bánh càng ngọt càng béo thì trẻ lại càng thích. Vì vậy, sau tết Trung thu, bao nhiêu công tập luyện, chế độ ăn kiêng trước đó coi như vô ích.

 

Thành phần dinh dưỡng của:

Thành phần

Bánh dẻo thập cẩm(170 g)

Bánh nướng thập cẩm (176 g)

Bánh nướng đậu xanh 1 trứng (176 g)

Năng lượng

566 Kcal

706 Kcal

648 Kcal

Đạm

16,3 g

18g

19,5g

Lipid

6,6 g

31,5g

27,5g

Glucid

110,2 g

87,5g

80,6g

* Với bánh trung thu bánh dẻo đậu xanh 1 trứng (176g) chứa 648 Kcal: năng lượng gấp 2 – 2,5 lần bát phở bò.

 

Bánh Trung thu: món ăn truyền thống ngày rằm tháng tám 


Ngoài ra, trong bánh có rất nhiều đường và chất béo, trừ một vài loại dành cho người ăn kiêng, ngoài để tạo nên hương vị đặc trưng còn là một biện pháp để bảo quản.

-       Lượng bột đường của 1 chiếc bánh dẻo / bánh nướng bằng 2 – 3 bát cơm (1 bát cơm 258 g), đường lại chủ yếu ở dạng đường hấp thu nhanh gây tăng đường huyết nhanh. Nếu ăn quá nhiều, ở trẻ béo phì hoặc trẻ rối loạn dung nạp glucse có thể gây ra tiểu đường. Còn ở trẻ biếng ăn, khi ăn 1 miếng bánh vào lúc đói, đường huyết tăng lên sẽ làm trẻ mất cảm giác thèm ăn trong bữa chính, và càng làm trẻ chán ăn, gây nên suy dinh dưỡng.
-       Phần lớn chất béo trong bánh từ thịt mỡ là loại chất béo no gây nhiều tác hại, chất béo lấy từ hạt dưa, hạt điều, vừng là có chút a cid béo không no có lợi. Lượng chất béo trong 1 chiếc bánh trung thu bàng 1 – 2 lần lượng chất béo trong 1 bát phỏ bò hoặc phở gà.
-       Chất đạm trong bánh nướng khá cao, thường là đạm động vật, nếu bảo quản không tốt chúng dễ bị ôi, mốc gây ra ngộ độc. Các vitamin trong bánh không nhiều lắm, đồng thời qua chế biến và bảo quản cũng đã hao hụt đáng kể.

Lời khuyên từ các bác sĩ dinh dưỡng:
-       Với trẻ béo phì, nên giới hạn lượng bánh được ăn trong ngày, khẩu phần ăn trong ngày sẽ trừ bớt phần do bánh cung cấp. Nếu ăn ½ bánh dẻo hoặc bánh nướng thì trong ngày phải bớt đi khoảng 1 bát cơm và lượng thức ăn tương ứng.
-       Tăng lượng rau xanh để tống chất béo ra ngoài và ngăn ngừa tăng đường huyết nhanh.
-       Nếu không giảm phần cơm thì nhớ đi bộ thêm 30 phút để tiêu hao bớt năng lượng dư thừa.
-       Với người mắc bệnh mạn tính liên quan đến dinh dưỡng nên lựa chọn các sản phẩm dùng cho người ăn kiêng ít đường và ít chất béo, mặc dù vậy vẫn phải ăn rất hạn chế để kiểm soát lượng đường huyết tăng cao.
-       Ăn bánh khó tiêu do nhiều chất béo, chất đạm động vật, vì vậy chỉ cho trẻ ăn một miếng (bằng 1/8 chiếc bánh) sau bữa ăn là đủ.
-       Ăn xong trẻ cần súc miệng ngay để không sâu răng, đặc biệt là với bánh dẻo sẽ dính chặt vào răng gây sâu răng nhiều hơn.


Hãy đón xem phần 2 để tìm hiểu góc độ an toàn thực phẩm của bánh trung thu ngay tại trang web của Ninfood nhé.


Bs. Nguyễn Văn Tiến – Viện Dinh dưỡng

Nguồn: viendinhduong.vn

© 2016 copyright by

Ninfood.com.vn