6 – 36 tháng tuổi là lứa tuổi mọc răng sữa và ăn mềm. Bắt đầu khi trẻ được 6 tháng tuổi, sữa mẹ không đủ đáp ứng nhu cầu về số lượng và chất lượng cho cơ thể trẻ. Trẻ bắt đầu ăn thức ăn khác ngoài sữa mẹ hoặc sữa công thức, hay còn được gọi là ăn bổ sung. Tuy nhiên, ăn bổ sung quá sớm (trước 6 tháng) hay quá muộn (sau 6 tháng) đều làm trẻ chậm lớn và thiếu dinh dưỡng. Các bậc phụ huynh nên cho trẻ ăn bổ sung đúng về thời gian, việc đó sẽ giúp trẻ thích ứng dần với các thức ăn mới, các thực phẩm khác nhau, đồng thời giúp bộ máy tiêu hóa của trẻ hoàn thiện dần từ chế độ ăn lỏng đến đặc và cứng.
Thức ăn bổ sung của trẻ sẽ tăng dần độ thô, độ cứng, độ đặc theo tuổi.
1. 6 – 7 tháng tuổi: đây là lúc bắt đầu cho trẻ ăn thức ăn bổ sung, thường bắt đầu bằng bột lỏng.
- Tập cho trẻ ăn từ ít đến nhiều, ăn từ lỏng đến đặc.
- Bổ sung thêm 1-2 lần nước hoa quả mỗi ngày.
- Duy trì sữa mẹ 6-8 lần hoặc 700-800ml sữa công thức mỗi ngày nếu mẹ không có sữa.
2. 8 – 9 tháng tuổi: trẻ đã có răng, cần tập cho trẻ phản xạ nhai, vì vậy nên bắt đầu cho trẻ ăn bột đặc và thô hơn.
- Tập cho trẻ ăn nhiều loại thực phẩm khác nhau, các bữa bột cần được thay đổi thực phẩm thường xuyên.
- Thức ăn nên được ăn cả cái để đảm bảo các chất dinh dưỡng: chất đạm, chất xơ, vitamin, và các chất khoáng.
- Chế độ ăn mỗi ngày:
+ Bú mẹ 5-6 lần.
+ 2-3 bữa bột đặc 10%: 200ml/bữa với cá/thịt/trứng.
+ Rau xanh: 20-25g/bữa.
+ Dầu/mỡ: 7-10ml/bữa.
+ Bổ sung thêm 1-2 bữa quả nghiền, sữa chua, phô mai.
3. 10-12 tháng tuổi: trẻ đã có thể ăn thô tốt hơn, nên chuyển sang chế độ cháo.
- Bú mẹ 4-5 lần.
- 3-4 bữa cháo với cá/thịt/trứng.
- Rau xanh: 20-25g/bữa.
- Dầu/mỡ: 7-10ml/bữa.
- Bổ sung thêm 1-2 bữa quả nghiền, sữa chua, phô mai.
4. 13-24 tháng tuổi: ăn 4 bữa cháo hoặc súp. Ở độ tuổi này thì vẫn nên cho trẻ bú mẹ, nếu mẹ không có sữa thì cho trẻ uống sữa ngoài 300-500ml mỗi ngày. Lượng thực phẩm trong ngày của trẻ nên:
- Gạo: 100-150g
- Thịt/cá/tôm: 100-120g
- Dầu/mỡ: 25-30g
- Rau xanh: 50-100g
- Quả chín: 150-200g
- Trứng: 1 tuần 3-4 quả trứng gà
- Bổ sung thêm sữa chua, phô mai
5. 24-36 tháng tuổi: chuyển từ chế độ ăn cháo sang ăn cơm nát, nhưng vẫn phải cho ăn thêm cháo mỳ, súp, phở và uống sữa, trẻ vẫn cần có chế độ ăn riêng.
Số bữa ăn trong ngày: 4 bữa cơm nát (cháo, mỳ, súp)
- Sữa: 300-500ml/ngày
- Lượng thực phẩm trong ngày:
+ Gạo: 150-200g (nếu nấu bún, mỳ, súp thì rút bớt gạo đi)
+ Thịt/cá/tôm: 120-150g
+ Dầu/mỡ: 30-40g
+ Rau xanh: 150-200g
+ Quả chín: 200g
Nguồn:
1. Hỏi đáp Dinh dưỡng & Vệ sinh thực phẩm của Viện Dinh dưỡng – Bộ Y tế
2. Hướng dẫn dinh dưỡng dự phòng COVID-19 – hội Tiết chế Dinh dưỡng Việt Nam