<img height="1" width="1" style="display:none" src="https://www.facebook.com/tr?id=395009544198866&ev=PageView&noscript=1" />

viện dinh dưỡng quốc gia

Trung tâm dịch vụ KHKT dinh dưỡng thực phẩm

CHUYÊN MỤC TƯ VẤN: DINH DƯỠNG HỢP LÝ CHO NGƯỜI BỆNH ĐÁI THÁO ĐƯỜNG

Ngày đăng:

29/12/2021

Lượt xem: 3825


Dịch bệnh COVID đang diễn biến phức tạp, tại Hà Nội mỗi ngày có khoảng hơn 1000 ca mắc mới. Dịch bệnh diễn biến phức tạp đã làm cho những người có bệnh lý nền như tim mạch, đái tháo đường sẽ có nguy cơ mắc bệnh nặng hơn và gia tăng tỷ lệ tử vong. Chính vì vậy chúng ta cần giúp những người bệnh Đái tháo đường kiểm soát được đường huyết hợp lý, duy trì sức đề kháng, giảm thiểu nguy cơ bị nhiễm COVID hay khi nhiễm COVID thì sẽ giảm các nguy cơ biến chứng dẫn đến tử vong.

Phương pháp điều trị của người ĐTĐ gồm: chế độ ăn, thay đổi lối sống và điều trị thuốc. Để làm rõ hơn vai trò của chế độ dinh dưỡng trong điều trị bệnh ĐTĐ đây chính là chủ đề của buổi livestream “DINH DƯỠNG HỢP LÝ CHO NGƯỜI BỆNH ĐÁI THÁO ĐƯỜNG”.

Sau buổi livestream, NINFOOD đã tổng hợp lại một số câu hỏi được bác sĩ trả lời như sau:

Câu hỏi 1: Người bệnh Đái tháo đường một ngày nên ăn tối thiểu bao nhiêu gam carbohydrate?

Bác sĩ: Đối với những bệnh nhân ĐTĐ năng lượng từ carbohydrate trong chế độ ăn nên chiếm khoảng 50-55% tổng nhu cầu năng lượng.

Dù là người bệnh ĐTĐ hay người bình thường thì cũng phải cung cấp cho cơ thể tối thiểu 130g carbohydrate mỗi ngày. Nếu chúng ta ăn ít quá sẽ dẫn tới hạ đường huyết. Hạ đường huyết là 1 biến chứng nguy hiểm không kém tăng đường huyết. Một bát cơm cung cấp khoảng 40g carbohydrate. Để cung cấp 130g carbohydrate thì nên ăn khoảng 4 bát cơm. 

Ăn đủ lượng carbohydrate rồi nhưng làm thế nào để giúp ổn định đường huyết trong ngày? Chúng ta nên lựa chọn những thực phẩm có chỉ số đường huyết thấp. Nếu những bệnh nhân ĐTĐ sử dụng những loại thực phẩm có chỉ số đường huyết cao như gạo trắng sẽ làm cho mức đường máu sau ăn tăng rất cao, như vậy dần dần sẽ dẫn tới đề kháng insulin và bệnh nhân sẽ phải tăng lượng thuốc điều trị. Vì vậy, nên chọn các loại thực phẩm có chỉ số đường huyết thấp (các lại thực phẩm có nhiều chất xơ: ngũ cốc nguyên  hạt, gạo lứt, gạo lật nảy mầm). 

Nếu như ăn 1 bát gạo trắng thì đường máu của bệnh nhân ĐTĐ tăng lên tới 24-25 sau ăn sau đó vẫn giảm về khoảng 15-16 với những người bị rối loạn nặng. Nếu thay bằng 1 bát gạo lứt hay gạo lật nảy mầm thì đường máu chỉ lên khoảng trên 10 rồi giảm xuống một cách từ từ, như vậy sẽ giảm rất nhiều nguy cơ biến chứng của ĐTĐ. 

Gạo lứt thì hơi cứng, chúng ta khó ăn hơn và phải ngâm trước khi nấu. Nhưng gạo lật nảy mầm đã qua 1 quá trình cho nảy mầm, không cần vo, đãi trước khi nấu. Gạo lật sau khi nảy mầm có hàm lượng GABA gấp 10 lần gạo trắng, GABA là chất tốt cho não, tuyến thượng thận cũng như hỗ trợ giảm đường máu. 

Nền tảng của bữa ăn của chúng ta hàng ngày là cơm. Thực phẩm được lựa chọn nhiều nhất và quan trọng nhất là gạo. Những thực phẩm uống bổ sung không phải là thực phẩm chúng ta tiêu thụ lớn hàng ngày. Nhưng đa số các bệnh nhân ĐTĐ thu nhận các thông tin truyền thông không đúng lại ăn cơm gạo trắng sau đó lại sử dụng các loại thực phẩm có chỉ số đường huyết thấp để uống bổ sung thì sẽ không có hiệu quả.

Câu hỏi 2: Bữa phụ dành cho người ĐTĐ có thể dùng sữa bột kèm với trái cây được không? 

Bác sĩ: Người ĐTĐ được sử dụng bữa phụ và nên sử dụng bữa phụ khi có sự chỉ định của bác sĩ chứ không nhất thiết cứ ĐTĐ là phải dùng bữa phụ. Nếu đường huyết ổn định thì không cần thiết phải có bữa phụ và số lượng thức ăn trong bữa phụ là bao nhiêu thì cần tham khảo ý kiến bác sĩ để có được liều lượng phù hợp. Nếu dùng sữa cho người ĐTĐ rồi thì nên dùng hoa quả cho 1 bữa phụ khác nếu cần thiết. Và đặc biệt khi sử dụng trái cây người bệnh ĐTĐ cần phải lưu ý chỉ “ăn ĐỦ rau xanh và quả chín”. Do quả chín có các đường đơn: glucose, fructose. Đó là các đường đơn cần phải kiểm soát chặt chẽ trên người ĐTĐ và ĐTĐ có thừa cân béo phì. Với người bình thường chỉ nên ăn khoảng 200-300g hoa quả mỗi ngày, còn đối với người ĐTĐ và những người có thừa cân béo phì thì chỉ nên ăn khoảng 1 nửa (tối đa chỉ ăn bằng người bình thường) để tránh bị thừa lượng đường đơn.

Nếu đã uống sữa, trong sữa đã có lượng carbohydrate rồi thì không nên ăn thêm trái cây dẫn đến nguy cơ mất kiểm soát đường huyết. Hoặc có thể ăn thêm nhưng nên cân nhắc giữa lượng hoa quả và lượng sữa để có kiểm soát đường huyết tốt nhất.

Câu hỏi 3: Những dấu hiệu của hạ đường huyết về đêm của bệnh nhân ĐTĐ và làm gì để dự phòng việc hạ đường huyết về đêm? 

Bác sĩ: Người bệnh ĐTĐ sợ nhất là việc hạ đường huyết. Các bệnh nhân hạ đường huyết được chia thành 2 loại: có triệu chứng và không triệu chứng. Các triệu chứng của hạ đường huyết bao gồm: vã mồ hôi, hoa mắt chóng mặt, run tay... Muốn biết chính xác thì cần phải thử đường máu, phải theo dõi đường máu liên tục. 

Bệnh nhân ĐTĐ cần đi khám bác sĩ để được tư vấn về tình trạng dinh dưỡng, thiết kế chế độ ăn chia nhỏ, chia số bữa cho phù hợp theo từng bệnh nhân để giúp cho đường huyết không bị hạ trong đêm. Việc chia đều số bữa trong ngày sẽ giúp đường huyết được ổn định. Bệnh nhân vẫn cần phải tuân thủ dùng thuốc theo đơn của bác sĩ để giữ cho đường huyết ổn định. Nếu đã sử dụng thuốc đủ rồi mà tự ý ăn giảm đi/tăng lên thì sẽ có nguy cơ rối loạn đường huyết. Những người có tiền sử bị hạ đường huyết cần theo dõi đường huyết trước khi đi ngủ để quyết định có bổ sung bữa phụ hay không. Đặc biệt là những người cao tuổi, người có bệnh lý về gan, thận, những người nghiện rượu... cần lưu tâm sử dụng các bữa phụ trước khi đi ngủ để tránh các nguy cơ hạ đường huyết về đêm.

Câu hỏi 4: Dấu hiệu rối loạn đường huyết ở người dưới 30 tuổi?

Bác sĩ: ĐTĐ càng ngày càng trẻ hóa. Với những người dưới 30 tuổi được chẩn đoán là ĐTĐ hiện nay cũng không còn hiếm gặp. Để biết mình có bị rối loạn đường huyết hay không thì nên đi làm xét nghiệm định kỳ đường huyết lúc đói, sau khi đã nhịn ăn ít nhất 8-12 giờ. Nếu có kết quả từ 5,6 trở lên thì nên đi đến các cơ sở y tế có bác sĩ chuyên khoa nội tiết để được làm các test chẩn đoán dung nạp đường để có thể chẩn đoán là rối loạn đường huyết lúc đói hay đã trở thành ĐTĐ thật sự.

© 2016 copyright by

Ninfood.com.vn