<img height="1" width="1" style="display:none" src="https://www.facebook.com/tr?id=395009544198866&ev=PageView&noscript=1" />

viện dinh dưỡng quốc gia

Trung tâm dịch vụ KHKT dinh dưỡng thực phẩm

THUỐC BỔ CHO TRẺ EM VÀ CÁC LƯU Ý SỬ DỤNG

Ngày đăng:

29/08/2020

Lượt xem: 3566

Thuốc bổ là gì?

Thuốc bổ, hay còn gọi là đa sinh tố, là hỗn hợp chứa nhiều hơn một vitamin. Một số thuốc bổ còn kèm thêm khoáng chất và các chiết xuất thảo dược. Ngoài các vitamin và muối khoáng, các loại thuốc này còn bổ sung các acid amin cần thiết mà cơ thể không tự tổng hợp được như: lysin, taurin,…

 

Vitamin



Vitamin là những chất cần có để các quá trình sinh học trong cơ thể diễn ra, giúp cơ thể phát triển và tăng trưởng. Khi vào cơ thể trẻ, vitamin sẽ tham gia vào quá trình sử dụng cacbohydrat, lipid và protein để tạo ra năng lượng; trong khi bản thân vitamin lại không cung cấp năng lượng cho cơ thể.

Khoáng chất

Khoáng chất là những thành phần chính trong răng và xương. Một số khoáng chất cũng giúp cho quá trình vận chuyển Oxy đến tế bào và lấy đi CO2.  Theo Ths. bs Lê Thị Hải - nguyên giám đốc TT Khám và tư vấn Dinh dưỡng, Viện Dinh dưỡng cho biết vitamin là những yếu tố luôn sẵn trong thực phẩm (rau, quả, ngũ cốc, thịt, cá,…), nên nếu sử dụng thực phẩm đảm bảo chất lượng, không ăn kiêng không rối loạn hấp thụ ở đường tiêu hóa thì trẻ không thiếu, không cần bổ sung. Việc sử dụng thuốc bổ sung vitamin không thay thế được thức ăn mà vẫn phải ăn uống đầy đủ, cân bằng các nhóm thực phẩm. Vì có nhiều phụ huynh chỉ cho trẻ dùng thuốc bổ là không quan tâm việc trẻ ăn uống nữa nên dẫn đến tình trạng trẻ dùng thừa thuốc bổ mà vẫn bị suy dinh dưỡng.

Trong một số trường hợp như trẻ sinh non, sinh đôi, trẻ không được bú sữa mẹ, trẻ lớn quá nhanh, chất lượng bữa ăn không đảm bảo, bị suy dinh dưỡng, tiêu chảy kéo dài, sau giai đoạn bị bệnh (sốt, nhiễm trùng, ho hen, …), rối loạn hấp thu, còi xương, thiếu máu, mắc các bệnh về gan, mật,… sẽ bị thiếu vitamin và khoáng chất nên việc cho trẻ uống bổ sung thêm là rất cần thiết.

Về mặt lý thuyết nếu trẻ ăn uống cân bằng, hợp lý, đầy đủ và thể trạng bình thường (tức không có dấu hiệu suy dinh dưỡng) thì không cần bổ sung vitamin. Tuy nhiên, nếu có nghi ngờ về chế độ ăn không cung cấp đủ thì ngay cả những trẻ khỏe mạnh cũng nên bổ sung vitamin. Bởi các vitamin vốn có trong thực phẩm sẽ bị mất đi hay giảm trầm trọng trong thực phẩm không đảm bảo như rau bị héo, trái cây không còn tươi, hoặc bảo quản chế biến thực phẩm không tốt (ăn gạo trắng xây xát kỹ có ít vitamin B1, thức ăn nấu quá kỹ sẽ không còn vitamin C,…).

 

Đối với trẻ béo phì, bác sỹ thường khuyên ăn chế độ ít chất béo nên thường không hấp thu đủ lượng vitamin tan trong dầu là vitamin A, D, E, K nên cũng chú ý để bổ sung các vitamin này.

Lưu ý khi dùng thuốc bổ cho bé 


Thuốc bổ có thể dùng dưới dạng uống hoặc tiêm, trong đó dạng uống được sử dụng phổ biến và rộng rãi hơn. Thuốc bổ uống thường được bào chế dưới dạng viên nhai, viên nén hoặc dạng siro. Khi dùng nên tuân thủ theo chỉ định của bác sỹ về liều lượng và cách dùng, nếu chưa rõ nên hỏi lại bác sỹ hoặc người bán thuốc. Nếu thuốc dạng chai nhỏ giọt hoặc siro uống, thường sẽ có kèm theo dụng cụ để đo lường thuốc (ống hoặc muỗng có chia vạch theo mililit, ống nhỏ giọt) mẹ nên sử dụng đúng dụng cụ đo để đong thuốc cho trẻ. Ngoài ra, một số thuốc có hình dạng, mùi vị như kẹo nên cần để xa tầm với của trẻ.
 
 

Đừng bao giờ nghĩ thuốc bổ là vô hại và cho trẻ dùng theo quan niệm “không bổ dọc cũng bổ ngang” . Một số thuốc có thể gây tác dụng mạnh khi dùng nhiều như vitamin D, vitamin A, vitamin B6, Kali (potassium); một số dùng quá mức có thể gây ngộ độc như thuốc chứa chất sắt. Trẻ thừa vitamin A sẽ bị tăng áp lực sọ não dẫn đến lồi thóp, viêm dây thần kinh thị giác. Vitamin C liều cao (hơn 1g/ngày) có thể gây loét đường tiêu hóa, tiêu chảy, sỏi thận. Hiện có loại thuốc viên vitamin C dạng sủi bọt chứa 1g dược chất mỗi viên không nên xem là nước giải khát và cho trẻ uống nhiều.

Liều bổ sung bao giờ cũng thấp hơn nhu cầu hàng ngày trừ trường hợp trẻ mắc bệnh do thiếu các vitamin và khoáng chất đó thì có thể phải dùng liều cao hơn theo chỉ dẫn của bác sỹ nhi khoa. Vì vậy, các bố mẹ cần biết nhu cầu hàng ngày các vitamin và khoáng chất này đối với từng lứa tuổi của trẻ.

Một chế độ ăn cân đối và lành mạnh sẽ giúp trẻ phát triển toàn diện và tăng cường sức đề kháng. Bổ sung hoa quả, những thức ăn đầy màu sắc khiến trẻ cảm thấy bữa ăn thú vị hơn thay vì bắt trẻ sử dụng thứ mà trẻ coi như là "thuốc" và muốn trốn chạy! 

Hi vọng bài viết giải quyết được phần nào băn khoăn của bậc cha mẹ hiện đại!


© 2016 copyright by

Ninfood.com.vn