Bệnh béo phì trẻ em đang tăng lên đáng báo động và trở thành một vấn đề sức khỏe có ý nghĩa cộng đồng của thế giới, đặc biệt là các nước đang phát triển. Đây là mối đe dọa lâu dài đến sức khỏe, tuổi thọ nếu
tình trạng béo phì trẻ em kéo dài cho đến tuổi trưởng thành. Một trong những nguyên tắc
phòng béo phì cho trẻ em không phải ai cũng biết, đó là tuyệt đối không bắt con nhịn ăn. Cha mẹ đừng vội bắt con kiêng ăn khi chưa có tư vấn của bác sỹ. Trước khi cần đến sự giúp đỡ của bác sỹ, các mẹ có thể phòng chống béo phì cho con theo những gợi ý đơn giản sau:
1. Cha mẹ cần theo dõi cân nặng, chiều cao, khẩu phần ăn hàng ngày của trẻ cũng như tốc độ tăng trưởng của trẻ ở mọi lứa tuổi nhằm phát hiện sớm thừa cân béo phì để kịp thời
điều chỉnh chế độ ăn và sinh hoạt của trẻ.
2. Một trẻ được xem là béo phì hay nặng cân quá khi trẻ nặng hơn mức trung bình so với chiều cao và độ tuổi từ 20% trở lên.
3. Nên tổ chức các bữa ăn chính cân bằng, khoa học, có lợi cho sức khỏe. Không ăn quá no, không được bỏ bữa, ăn nhiều vào buổi sáng, không nên ăn nhiều vào buổi tối.
4. Điều chỉnh
chế độ ăn hợp lý kết hợp với hoạt động thể lực. Hạn chế thời gian xem ti vi và chơi game của trẻ. Động viên trẻ năng hoạt động, tạo điều kiện cho trẻ tham gia thường xuyên các trò chơi vận động thú vị, các hoạt động thể thao tại trường lớp như: chơi bóng bàn, bóng đá, bơi lội,…
5. Hạn chế các loại bánh, kẹo, sữa đặc có đường. Hạn chế ăn da, óc, tim, gan, cật,…Không cho trẻ ăn vặt và khuyến khích trẻ ăn rau quả, sữa chua, trái cây.
6. Nếu trẻ có dấu hiệu thừa cân, cha mẹ phải đưa trẻ đến bác sĩ để có những tư vấn phù hợp, tuyệt đối không bắt trẻ nhịn ăn.
7. Chỉ trẻ béo phì trên 12 tuổi mới được dùng
thuốc giảm cân. Cha mẹ giúp trẻ tuân thủ nghiêm và kiên trì liệu trình điều trị. Bổ sung vitamin và khoáng chất cần thiết.
Giảm cân không phải việc dễ dàng, đặc biệt là đối với trẻ. Vì thế mỗi bậc phụ huynh cần quan tâm, chú ý để kiểm soát dinh dưỡng cho con em mình tốt hơn.